Sunday 8 December 2019

Vương Hi Chi 王羲之


Vương Hi Chi 王羲之 (303-361) tự là Dật Thiếu, người đời Tấn, quê ở Cối Kê (nay thuộc Chiết Giang). Ông nổi danh về lối chữ thảo và chữ lệ. Bài Tự tập thơ Lan Đình 蘭亭集序 ông viết, văn đã hay, chữ lại tốt, người ta gọi là thiếp Lan Đình.  Nguyễn Du có câu: So vào với thiếp Lan Đình nào thua? (theo Nguyễn Hiến Lê, Cổ văn Trung Quốc, xuất bản năm 1966, trang 175)

Nguyễn Hiến Lê ghi thêm ở trang 178:
Lan Đình Tập này không ai nhắc tới mà Lan Đình Tập Tự thì nay còn được truyền, thực cũng là một điều hi hữu trong văn học sử. Giá có được thiếp Lan Đình mà chụp lại, in thành phụ bản trong cuốn này thì thú quá!


Source: Wikipedia



Bài tựa tập thơ Lan Đình

Năm thứ chín niên hiệu Vĩnh Hòa nhằm năm Quý Sửu, đầu tháng ba, hội ở Lan Đình tại huyện Sơn Âm quận Cối Kê để cử hành lễ tu hễ (1). Quần hiền tới đủ, già trẻ đều họp. Nơi đó có núi cao, đỉnh lớn, rừng rậm trúc dài, lại có dòng trong chảy xiết, chiếu quanh hai bên, dẫn nước uốn khúc, làm chỗ thả chén. Mọi người ngồi theo thứ tự. Tuy không có tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng quản, tiếng huyền cho vui tai, nhưng uống một hớp rượu ngâm một câu thơ, cũng đủ thư sướng u tình. Hôm đó khí trời trong sáng, gió nhẹ lâng lâng, ngẩng nhìn vũ trụ mênh mông, cúi xem vạn vật muôn vẻ, phóng tầm mắt, mở cõi lòng, đủ để hưởng hết cái thú của tai mắt, thực là vui vậy.
Người ta cùng cúi ngửa ở trong đời, có người đem cái hoài bão của mình ra đàm đạo với bạn bè trong một nhà, có kẻ gởi tấm lòng ở một sự tình gì mà phóng đãng ở ngoài hình hài; hai hạng người đó tuy thủ xả tĩnh động khác nhau, nhưng đương lúc vui gặp thời, tạm đắc ý với mình, thì đều khoan khoái tự túc mà chẳng hay cái già sắp tới. Kịp đến khi mỏi mệt, tình ý theo sự thế mà thay đổi, thì đều sinh ra cảm khái. Cái mà trước kia vui trong lúc cúi ngửa nay đã thành ra vết cũ, mà nhớ lại lòng không thể không hoài cảm. Huống đời người dài ngắn do trời, nhưng đều quy về cõi chết cả. Cổ nhân nói: "Tử sinh đều là việc lớn", há chẳng đau lòng thay!
Mỗi khi xét nguyên do người đời xưa cảm khái như in với người đời nay, không lần nào đọc văn người trước mà không than thở buồn rầu, trong lòng không hiểu tại sao. Cho hay bảo tử sinh cũng như nhau là lời hư ngoa; bảo Bành Tổ không hơn gì kẻ chết yểu là lời nói láo. Người đời sau nhìn lại đời bây giờ cũng như người bây giờ nhìn lại đời xưa, buồn thay!
Vì vậy tôi chép lại chuyện người trong tiệc, sao lục thơ họ làm, tuy đời và việc đều khác nhưng lẽ sở dĩ cảm khái thì là một. Người đời sau đọc bài này chắc không khỏi bùi ngùi.

Nguyễn Hiến Lê (dịch) 

(1) tu hễ: lễ vào ngày tị trong thượng tuần tháng ba; người ta ra bờ sông tắm rửa, vẩy nước để trừ ma và những điều bất tường.



01 Vĩnh Hòa cửu niên, tuế tại quý sửu, mộ xuân chi sơ, hội
02 ư Cối Kê San Âm chi Lan Đình tu hệ sự
03 dã. Quần hiền tất chí, thiếu trưởng hàm tập. Thử địa
04 hữu sùng san tuấn lĩnh, mậu lâm tu trúc, hựu hữu thanh lưu kích
05 thoan, ánh đái tả hữu, dẫn dĩ vi lưu thương khúc thủy.
Năm thứ chín niên hiệu Vĩnh Hòa nhằm năm Quý Sửu, đầu tháng ba, hội ở Lan Đình tại huyện Sơn Âm quận Cối Kê để cử hành lễ tu hễ (1). Quần hiền tới đủ, già trẻ đều họp. Nơi đó có núi cao, đỉnh lớn, rừng rậm trúc dài, lại có dòng trong chảy xiết, chiếu quanh hai bên, dẫn nước uốn khúc, làm chỗ thả chén.

06 Liệt tọa kì thứ. Tuy vô ti trúc quản huyền chi
07 thịnh, nhất thương nhất vịnh, diệc túc dĩ sướng tự u tình.
08 Thị nhật dã thiên lãng khí thanh, huệ phong hòa sướng; ngưỡng
09 quan vũ trụ chi đại, phủ sát phẩm loại chi thịnh,
10 sở dĩ du mục sính hoài, túc dĩ cực thị thính chi
11 ngu, tín khả nhạc dã. Phù nhân chi tương dữ, phủ ngưỡng
Mọi người ngồi theo thứ tự. Tuy không có tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng quản, tiếng huyền cho vui tai, nhưng uống một hớp rượu ngâm một câu thơ, cũng đủ thư sướng u tình. Hôm đó khí trời trong sáng, gió nhẹ lâng lâng, ngẩng nhìn vũ trụ mênh mông, cúi xem vạn vật muôn vẻ

12 nhất thế, hoặc thủ chư hoài bão, ngộ ngôn nhất thất chi nội,
13 hoặc nhân kí sở thác, phóng lãng hình hài chi ngoại, tuy
14 thủ xả vạn thù, tĩnh táo bất đồng, đương kì hân
15 ư sở ngộ, tạm đắc ư kỉ, ưởng nhiên tự túc, bất
16 tri lão chi tương chí. Cập kì sở chi kí quyện, tình
17 tùy sự thiên, cảm khái hệ chi hĩ. Hướng chi sở
có người đem cái hoài bão của mình ra đàm đạo với bạn bè trong một nhà, có kẻ gởi tấm lòng ở một sự tình gì mà phóng đãng ở ngoài hình hài; hai hạng người đó tuy thủ xả tĩnh động khác nhau, nhưng đương lúc vui gặp thời, tạm đắc ý với mình, thì đều khoan khoái tự túc mà chẳng hay cái già sắp tới. Kịp đến khi mỏi mệt, tình ý theo sự thế mà thay đổi, thì đều sinh ra cảm khái. Kịp đến khi mỏi mệt, tình ý theo sự thế mà thay đổi, thì đều sinh ra cảm khái.

18 hân, phủ ngưỡng chi gian, dĩ vi trần tích, do bất
19 năng bất dĩ chi hưng hoài, huống tu đoản tùy hóa, chung
20 kì ư tận. Cổ nhân vân: "Tử sanh diệc đại hĩ", khởi
21 bất thống tai! Mỗi lãm tích nhân hưng cảm chi do,
22 nhược hợp nhất khế, vị thường bất lâm văn ta điệu, bất
Cái mà trước kia vui trong lúc cúi ngửa nay đã thành ra vết cũ, mà nhớ lại lòng không thể không hoài cảm. Huống đời người dài ngắn do trời, nhưng đều quy về cõi chết cả. Cổ nhân nói: "Tử sinh đều là việc lớn", há chẳng đau lòng thay! Mỗi khi xét nguyên do người đời xưa cảm khái như in với người đời nay, không lần nào đọc văn người trước mà không than thở buồn rầu, trong lòng không hiểu tại sao.

23 năng dụ chi ư hoài. Cố tri nhất tử sanh vi hư
24 đản, tề Bành thương vi vọng tác; hậu chi thị kim
25 diệc do kim chi thị tích, bi phù! Cố liệt
26 tự thì nhân, lục kì sở thuật, tuy thế thù sự
27 dị, sở dĩ hưng hoài, kì trí nhất dã. Hậu chi lãm
28 giả diệc tương hữu cảm ư tư văn.
Cho hay bảo tử sinh cũng như nhau là lời hư ngoa; bảo Bành Tổ không hơn gì kẻ chết yểu là lời nói láo. Người đời sau nhìn lại đời bây giờ cũng như người bây giờ nhìn lại đời xưa, buồn thay!
Vì vậy tôi chép lại chuyện người trong tiệc, sao lục thơ họ làm, tuy đời và việc đều khác nhưng lẽ sở dĩ cảm khái thì là một. Người đời sau đọc bài này chắc không khỏi bùi ngùi.




Chú thích


(1) tu hễ: lễ vào ngày tị trong thượng tuần tháng ba; người ta ra bờ sông tắm rửa, vẩy nước để trừ ma và những điều bất tường.


Tham khảo

> Nguyễn Hiến Lê, Cổ văn Trung Quốc, Xuân Thu xuất bản, USA
> https://zh.wikipedia.org/wiki/蘭亭集序
> https://www.youtube.com/watch?v=vA2SxqD5Pak
> https://baike.baidu.hk/item/ 蘭亭集序/199614

Youtube
> https://www.youtube.com/watch?v=M-enSREus0c